CRSD Hà Tĩnh với hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản đầy nhân văn

Biển một bên em một bên

Ta đi trên bãi cát êm đềm

Thân buông theo gió, hồn theo mộng

Sóng biển vào anh với sóng em

(Tế Hanh)

Biển từ lâu đã đi vào thơ ca và tình yêu đôi lứa. Không những thế đối với người Việt, biển hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống con người. Dù bữa cơm sơn hào hải vị hay đạm bạc chắc cũng không thể thiếu được bát nước mắm làm từ cá biển mặn mòi, hay ít nhất cũng có đĩa muối kết tinh từ nước biển trong xanh.

Đối với người dân ven bờ, biển là miếng cơm, manh áo, biển còn là cuốn tập tới trường cho con thơ, biển còn là tiện nghi cuộc sống của mỗi gia đình. Người dân xóm chài thật đau xót khi nhìn thấy nguồn thu của mình ngày một giảm sút do tài nguyên ven biển ngày một vơi đi. Không cần là nhà khoa học thì ai cũng hiểu được rằng tận diệt muôn loài bằng xung điện và thuốc nổ hay bắt hết cá lớn cá nhỏ bằng giã cào và lưới mắt nhỏ thì còn làm sao cá kịp sinh trưởng. Cũng có loài cá rất nhỏ dù tuổi đời có lớn thì kích cỡ của chúng vẫn tí hon; tuy nhiên, trong chuỗi thức ăn, chúng lại là con mồi của cá lớn hơn; không có chúng thì cá lớn không có thức ăn. Đúng là trời sinh voi, trời sinh cỏ nhưng, ăn cả cỏ già cỏ non, tróc cả rễ lên thì lấy đâu ra cỏ nữa.

Chắc cũng không ít người dân ý thức được điều đó nên đây đó, có người không dùng các phương thức đánh bắt hủy diệt như vậy, nhưng mình không làm, chắc gì người khác đã không làm, một cánh én nhỏ đâu thể làm nên mùa xuân. Dự án CRSD với hoạt động đồng quản lý mở ra một ánh sáng cuối đường hầm cho bà con. Nhiều xóm chài được tổ chức thành những tổ đồng quản lý, ở đó mọi người tự xây dựng nên quy chế để gìn giữ tài nguyên ven bờ dài lâu. Trong quy chế đó các quy định phổ biến bao gồm cấm sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt, quy định về tuần tra kiểm soát để người trong tổ và người ngoài không được vi phạm. Nhiều tổ đồng quản lý còn tổ chức những hoạt động mang tính sáng tạo như dọn sạch bờ biển, tổ chức các đợt tuyên truyền để người dân quanh vùng hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo tồn tài nguyên ven biển bền vững.

Tại Hà Tĩnh chính quyền và người dân địa phương vùng dự án CRSD còn có sáng kiến tổ chức “lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản”. Lễ thả cá này có thể so sánh với hoạt động “Phóng sinh” trong nhà Phật. Tôi còn nhớ một câu chuyện về chú bé Sa-Di. Thầy của chú biết trước vận mạng và biết chú bé chỉ sống được 7 ngày nữa, liền cho chú bé về thăm cha mẹ trong vòng 1 tuần. Trên đường đi trời mưa lớn, chú thấy một tổ kiến sắp bị nước cuốn trôi, chú liền đắp đất để che tổ kiến và vớt các con kiến bị nước cuốn lên bờ. Một tuần sau chú trở lại chùa, khỏe mạnh và không hề hấn gì, sư phụ của chú rất ngạc nhiên khi hỏi lại mới nhận ra vì hành động từ bi của Sa-Di mà chú bé được thay đổi vận mạng và cho thêm tuổi thọ. Lễ thả cá vừa là để tái tạo nguồn lợi thủy sản vừa là hành động đầy tính nhân văn của ngư dân. Chắc chắn với hoạt động này và các hoạt động khác trong đồng quản lý, người dân làng chài có thể thay đổi vận mạng của mình, giúp chính họ có thu nhập ổn định từ khai thác các tài nguyên ngày một giàu có.

Hành động thả cá cần được phổ biến sâu rộng và thường xuyên hơn. Mỗi ngư dân sau khi đánh bắt một mẻ cá cần chọn những con cá con và cá mẹ mang thai thả lại biển để lại nguồn lợi sau này. Những lễ thả cá không nên mua cá tại chợ vì có thể cá tại đó đã yếu do quá trình vận chuyển và dù có được thả lại môi trường biển, chưa chắc chúng đã tồn tại được. Cách tốt nhất là mua cá từ các trung tâm và công giống để sau này chúng có thể sinh trưởng nhanh và khỏe mạnh. Phổ biến hoạt động này tại nhiều địa phương sẽ tạo tác động cộng hưởng giúp nguồn lợi ven bờ ngày một dồi dào hơn.

Tác giả: samvietnam

Nguồn tư liệu ảnh: CRSD Hà Tĩnh

/r/WritingPrompts Thread